-
- Tổng tiền thanh toán:
Chữa bệnh bằng phương pháp “Cứu” trong y học cổ truyền
Tác giả: CÔNG TY TNHH THẢO DƯỢC JIVAKA Ngày đăng: 12/04/2021
Y học cổ truyền là một kho báu quý giá của người phương Đông, trải qua hàng ngàn năm phát triển và củng cố, hệ thống y học cổ truyền ngày càng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, như: dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, giác hơi, khí công, ….
Y học cổ truyền là một kho báu quý giá của người phương Đông, trải qua hàng ngàn năm phát triển và củng cố, hệ thống y học cổ truyền ngày càng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, như: dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, giác hơi, khí công, …. Trong đó, phương pháp cứu là một phương pháp độc đáo đã có từ xa xưa, xuất phát từ nền y học cổ truyền Trung quốc, nó được kết hợp giữa dùng thuốc là lá ngải và không dùng thuốc là đốt nhiệt, để đưa sức nóng này đi vào huyệt đạo để làm thông kinh mạch, trừ hàn thấp bên trong cơ thể, từ đó giúp cơ thể vận hành bình thường trở lại.
Từ đầu những năm 1950, các bác sĩ phương Tây đã ghi nhận hiệu quả của ngải cứu trên lâm sàng như gan to, lao xương. Từ đó các nghiên cứu về ngải cứu ngày càng nhiều và mở rộng. Những năm 1960-1970, thống kê trên thế giới, ngải cứu được dùng điều trị khoảng 100 chứng trạng khác nhau. Đến cuối năm 2000, hiệu quả ngải cứu được ghi nhận trong phòng ngừa và điều trị hơn 200 loại bệnh và hội chứng thông thường. Đồng thời, nó còn đóng vai trò trong điều trị các bệnh phức tạp, như các bệnh tự miễn (viêm giáp hashimoto, xơ xứng bì), viêm loét đại tràng mạn tính, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tâm thần.
Về mặt dịch tễ, khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của ẩm thấp và gió mùa cho nên các bệnh cơ xương khớp mạn tính, các bệnh sinh ra do hàn thấp rất phổ biến, do đó điều trị bệnh bằng cứu ngải rất có hiệu quả và chiếm nhiều ưu thế so với các phương pháp khác.
Nguyên liệu chủ yếu là bột cây ngải cứu, được thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch thường cho tác dụng chữa bệnh tốt nhất, được phơi bóng râm ( tránh mất tinh dầu có trong lá), nghiền bột bỏ gân cọng lá, rây lấy bột mịn gọi là ngải nhung, rồi đóng thành điếu hoặc thành mồi ngải. Lá ngải cứu tính ấm, vị đắng, loại để trên 3 năm có thể thông 12 kinh, lý khí huyết, ngoài ra chúng chứa 1 lượng tinh dầu và các chất kháng khuẩn tự nhiên: cineol, dehydro matricaria este, tricosanol, tetradecatrilin,…..giúp giảm các cơn đau thần kinh, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, tiêu viêm và tăng sức đầy kháng cơ thể.
Tùy theo mục đích chữa bệnh, mà lượng nhiệt đưa vào huyệt cũng khác nhau dưới nhiều phương pháp cứu khác nhau, như là cứu ấm(cứu không tạo sẹo) hoặc cứu bỏng( cứu tạo sẹo), cứu trực tiếp hoặc gián tiếp (cách muối, gừng , hành, tỏi…) lên vùng huyệt. Tuy nhiên, phổ biến hiện nay là cứu bằng điếu ngải.
Điếu ngải cứu là gì?
Cứu điếu ngải: ngải cứu được chế thành điều hình trụ dài, khi đốt cháy một đầu, tay thầy thuốc cầm điếu ngải hơ trên huyệt đạo của người bệnh. Có 4 cách đốt điếu ngải chữa bệnh như sau:
- Cứu điếu ngải để yên( cứu ấm): đốt đầu điếu ngải hơ trên huyệt, cách da độ 2 cm. Khi người bệnh thấy nóng thì cách xa dần ra, đến mức nào người bệnh thấy nóng ấm và dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách cho đến khi vùng da đỏ hồng ( thường 1-3 phút/ huyệt và kéo dài 10-15p/ lần điều trị). Khi điều trị cần dùng ngón út, đặt trên da làm điểm tựa cố định khoảng cách với đầu điếu ngải trên da. Cách cứu này dùng cho mọi chỉ định của cứu.
- Cứu xoay tròn: cũng đặt điếu ngải cách da khoảng 2 cm đủ thấy nóng ấm, di chuyển điếu ngải theo hình vòng tròn từ hẹp đến rộng cho đến khi da hồng thắm, thời gian kéo dài độ 20 phút/ lần điều trị. Cách cứu này chủ yếu dùng chữa các bệnh ngoài da.
- Cứu mổ cò: di chuyển đầu điếu ngải lên xuống trên vùng huyệt cho đến khi da người bệnh đỏ và cảm giác nóng rát, làm như thế nhiều lần, thường cứu khoảng 1-3 phút/ huyệt và 15-20 phút/ lần điều trị. Cách cứu này thường dùng cho chứng thực và trong chữa bệnh cho trẻ em.
- Ôn châm cứu: Dùng kim châm vào huyệt cho đến khi đắc khí, đặt mồi ngải vào đốc kim, sau đó thầy thuốc gắn vào cán kim một mồi ngải dày khoảng 1-2 phân, đốt cháy cho đến hết mồi, sức nóng truyền đến đầu kim đi vào huyệt, như vậy hiệu quả điều trị sẽ tăng lên, đặc biệt với các bệnh phong thấp, cơ xương khớp mạn tính,..
Tóm lại, đối với bệnh nhân cơ thể suy nhược, trẻ nhỏ và người già, người mắc bệnh mạn tính lâu ngày có thấp hàn thì cứu ấm, từ từ, để người bệnh cảm thấy dễ chịu, da vùng huyệt hồng. Ngược lại, một số trường hợp bệnh cấp tính, đau nhiều, người bệnh khỏe mạnh, thì cứu nóng, da vùng huyệt đỏ, nóng rát.
Cứu được dử dụng trong những trường hợp nào?
Nguyên tắc điều trị chung của y học cổ truyền “ Hàn thì cứu, nhiệt thì châm” nghĩa là bệnh thiên về hàn, chân tay lạnh, sợ lạnh, sắc mặt xanh, bệnh lâu ngày, thì có thể cứu. bao gồm các chứng:
- Cảm mạo phong hàn, hen phế quản thể hàn.
- Các bệnh đau nhức cơ xương khớp lâu ngày, thấp lạnh đau tăng, đi lại khó khăn, gân cơ co cứng
- Liệt mặt ngoại biên do lạnh
- Ỉa chảy mạn tính, đái dầm, liệt dương
- Khí hư,rong kinh, các chứng sa sinh dục…
- Một số trường hợp khác tuy thuộc nhiệt nhưng vẫn có thể cứu: như mụn nhọt, quai bị, …
Chống chỉ định với cứu trong các trường hợp sau
- Các trường hợp hôn mê, sốt cao, mất nước, các bệnh thuộc về thực nhiệt, tăng huyết áp, phụ nữ tiền mãn kinh ra mồ hôi, bốc hỏa.
Những lưu ý khi Cứu
- Các huyệt vùng bụng, lưng và tay chân thường được sử dụng để cứu, hạn chế cứu, đặc biệt là cứu tạo sẹo vùng mặt, đầu, vùng bên dưới có nội tạng trọng yếu, các nơi có thần kinh và mạch máu lớn đi qua,
- Đối với phụ nữ có thai không được cứu vùng bụng và thắt lưng
- Đốt cứu bỏng để lại vết bỏng với nhiều mức độ khác nhau mà bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát đến có ửng đỏ trên da và biến mất tạo thành vết mọng nước, thầy thuốc và bệnh nhân cần chú ý vệ sinh và sát trùng vết bỏng, nếu có hiện tượng bội nhiễm thì dùng kháng sinh. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này ít được áp dụng rộng rãi.
Một số hạn chế của phương pháp cứu
- Phương pháp cứu đòi hỏi thầy thuốc mất nhiều thời gian hơn các phương pháp khác, không đáp ứng được lượng lớn bệnh nhân trong một thời gian nhất định.
- Khói từ đốt ngải cũng khiến cho nhiều bệnh nhân cảm thấy khó chịu, do đó phòng bệnh cần rộng rãi và thoáng đãng.
Tóm lại, cứu là một phương pháp điều trị độc đáo của y học cổ truyền, không những phù hợp với dịch tễ bệnh tật ở Việt nam mà còn có nhiều ưu điểm như: dễ thực hiện, nguyên liệu phổ biến, ít tai biến, nhưng nó cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, người dân không nên tự điều trị, tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn.